
Người người, nhà nhà đang đua nhau làm TikToker và YouTuber, ôm giấc mơ nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền - Ảnh: ĐỨC THIỆN
Trên mạng đang tràn lan những video nhận xét, trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ thiếu sự nhìn nhận khách quan, hoàn toàn theo hợp đồng với thương hiệu, nhà sản xuất được ngày càng nhiều người làm "nghề" reviewer đưa lên.
Những màn livestream giới thiệu sản phẩm, bán hàng đầy những lời hoa mỹ - bất chấp chất lượng - theo kịch bản soạn sẵn nhằm dụ người dùng xuống tiền đặt hàng...
Nói tốt về sản phẩm, nói... xạo mới có tiền
Xây dựng được một kênh sáng tạo nội dung với vài chục nghìn người theo dõi trên cả hai nền tảng YouTube và TikTok, H. không ngừng khoe khắp nơi rằng mình là một chuyên gia về nhận xét, đánh giá sản phẩm có tiếng.
Các kênh của H. cũng kiếm được kha khá hợp đồng từ nhiều thương hiệu sản phẩm công nghệ, điện tử. Tuy nhiên, phần lớn những video review về sản phẩm mới của H. đều là khen và... khen, theo hợp đồng với công ty truyền thông hoặc nhãn hàng.
Phạm Thoại kiếm bộn tiền từ bán hàng online, đi kèm loạt tai tiếng - Ảnh: FBNV
Để nhiều người biết mặt, tên tuổi trở nên nóng hổi trên mạng xã hội, nhiều người cũng bất chấp lao vào thị phi, tự dàn dựng tai tiếng cho mình.
Sau thời gian đăng video trên mạng xã hội để khoe về cuộc sống giàu có, khiến không ít người quan tâm, nhiều TikToker cũng bị sa lưới công an, với các tội danh hoạt động mại dâm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, dính dáng vào đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia...
Càng tai tiếng, càng nhiều quảng cáo!
Trước khi dính lùm xùm kêu gọi tiền từ thiện, Phạm Thoại, với hơn 7 triệu tài khoản theo dõi trên TikTok và Facebook, cũng là một trong những gương mặt tốp đầu của giới bán hàng qua livestream, để lại dấu ấn với cách nói chuyện lớn tiếng, có lúc còn chửi mắng người khác sa sả.
Nhiều người cảm thấy nhức đầu khi nghe anh bán hàng, nhưng cũng có người cảm thấy được "giải trí".
Đáng chú ý, để được nhiều người biết, có lần Phạm Thoại còn tổ chức hẳn một đám cưới rình rang ở quê, dựng rạp bài bản, gửi thiệp cho bạn bè từ xa tới, đưa mẹ lên sân khấu để chung vui.
Trong tiệc cưới, người dẫn chương trình còn nói: "Chúc chú rể Phạm Thoại và cô dâu Khánh Vân trăm năm hạnh phúc. Cả hai cùng rót rượu dâng lên đấng sinh thành để thể hiện lòng biết ơn, hiếu thảo...".
Bị nhiều người nghi ngờ về tính chân thật, do trước đó Phạm Thoại có nhiều biểu hiện chứng tỏ mình thuộc giới tính thứ ba.
Nhiều ngày sau, Phạm Thoại giải thích nội dung video chỉ là diễn, không thật. "Cá tháng 4 (Ngày nói dối - PV) vui vẻ nhé mọi người. Ngày cưới bội thu cá. Xin lỗi cả nhà nhiều ạ".
Bất chấp có những người kêu gọi tẩy chay, vì chuyện đại sự vẫn dám đem ra đùa, Phạm Thoại vẫn nổi tiếng hơn và kiếm bộn tiền hơn.
Nhân vật này chỉ thật sự vướng vào lùm xùm lớn khi bị tố thiếu minh bạch trong việc kêu gọi từ thiện. Trong quá trình buôn bán, nhiều TikToker cũng nghĩ ra loạt chiêu trò thu hút sự chú ý vào phiên livestream. Tuy nhiên, không phải lúc nào khách hàng cũng hài lòng.
Điển hình như cặp đôi Lã Quốc Quyền và Nguyễn Lan Anh (kênh Quyền Leo Daily) từng thuê du thuyền để căng băng rôn quảng cáo rầm rộ về mục tiêu đạt doanh số 150 tỉ đồng trong một phiên livestream trên TikTok, khách vô mua sẽ được tặng ngẫu nhiên 100 máy tính bảng.
Tuy nhiên, sau đó nhiều khách hàng phản hồi rằng cặp đôi này tặng máy tính bảng dỏm, không xài được.
"Ổ" vi phạm pháp luật
Nổi lên từ mạng xã hội, nhiều người kiếm được bộn tiền thông qua hoạt động quảng cáo, kinh doanh.
Trong số đó, có không ít người sa vào sai phạm liên quan đến phát ngôn, hành vi. Nổi bật, Bùi Xuân Huấn (Huấn "hoa hồng") nổi lên như một "giang hồ mạng", với nhiều phát ngôn phản cảm về quan điểm sống và kinh doanh.
Anh này từng bị cơ quan chức năng phạt vì phát ngôn vu khống công chức TP.HCM, vào năm 2020. Theo đó, trên trang Facebook cá nhân livestream để bán hàng, Huấn nói với người xem/khách hàng rằng: "Mày có tiền để mà chơi không mà nghiện. Tao nói cho mày nghe 80% cán bộ, công chức, thanh niên TP.HCM từng sử dụng ma túy".
Có lẽ chính cách nói năng ngông cuồng, dùng lời lẽ thô tục trên mạng khiến Huấn "hoa hồng" được nhiều người biết đến trên mạng, có người còn gọi anh ta là "thầy" dạy làm ăn. Nhiều năm qua, bên cạnh việc năng nổ đăng tải các thông tin, hình ảnh, video về đời sống cá nhân lên mạng xã hội, Huấn cũng tận dụng để kinh doanh online.
Để hút tương tác, có TikToker còn tỏ ra bất chấp. Đầu năm 2025, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật trường hợp Bùi Văn Nam (Nam Birthday, tài khoản hơn 1 triệu người theo dõi).
Gặp cảnh sát giao thông trên đường, thay vì hợp tác xuất trình giấy tờ, Nam lại chọn cách vào tài khoản TikTok và dùng điện thoại livestream, kêu gọi nhiều người tích cực chia sẻ, bình luận.
Sau đó Nam bị đưa về trụ sở công an, và không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký xe, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, giấy phép lái xe...
Nam còn vi phạm nồng độ cồn mức 4 (cao nhất) và bị cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ, niêm phong phương tiện.
Người tiêu dùng cần tự bảo vệ mình
Theo các chuyên gia, nội dung quảng bá được cung cấp bởi doanh nghiệp cung cấp sản phẩm. Nếu muốn siết nội dung quảng cáo, trước tiên phải xử lý các doanh nghiệp cung cấp thông tin sai sự thật.
Sau đó mới cân nhắc xử lý KOL xem họ có thổi phồng, nói lố so với bản gốc của doanh nghiệp hay không. Nếu quả thực KOL nói lố hòng bán được nhiều hàng hơn thì nên áp tội hình sự là lừa dối khách hàng.
"Nhưng vậy cũng chưa đủ, chính mỗi người dân cần nâng cao nhận thức về kiến thức khoa học để nhận ra câu nói của KOL có vấn đề gì để tự bảo vệ chính mình", một chuyên gia khuyến cáo.
Thăm dò ý kiến
Sau những ồn ào gần đây liên quan một số người nổi tiếng livestream bán hàng, bạn nghĩ gì về các hoạt động livestream của người nổi tiếng:Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
1.Vẫn quan tâm và theo dõi livestream, sẵn sàng mua hàng nếu cần.
2.Niềm tin giảm sút, chỉ theo dõi livestream và chưa muốn mua hàng.
3.Không còn niềm tin, tạm dừng theo dõi livestream bán hàng.
Ý kiến khác
