
Ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch SSI, chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 - Ảnh: HỒNG PHÚC
Tại đại hội, khả năng SSI tham gia vào lĩnh vực tài sản số là chủ đề thu hút sự quan tâm của cổ đông.
Dành nhiều thời gian làm rõ quan điểm của công ty về vấn đề này, ông Hưng cho rằng: "Mọi người cứ nói cứ đồn (SSI - PV) mở sàn, nhưng đến bây giờ là chưa".
"Rủi ro mất tiền cho đám đông thì không làm"
Chủ tịch SSI cho rằng ở thời điểm hiện tại, công ty chưa có bất kỳ chủ trương nào là làm sàn giao dịch Có gần 22.000 tỉ đồng cho vay, công ty 'trùm' chứng khoán Nguyễn Duy Hưng thu về nghìn tỉĐỌC NGAY
Dù chưa có dự tính lập sàn giao dịch tài sản số, ông đánh giá lĩnh vực này là xu thế phát triển tất yếu.
Chính phủ một số quốc gia cân nhắc đưa tiền kỹ thuật số vào quỹ dự trữ quốc gia, tương tự như vàng, nghĩa là đã xây dựng khung pháp lý.
"Chúng ta đừng coi đây là 'meme' lùa gà lùa vịt trên thị trường. Công nghệ blockchain, công nghệ kỹ thuật số là tương lai. Khi đã là tương lai thì sẽ mang lại lợi nhuận và giá trị cho nền kinh tế", chủ tịch SSI nói.
SSI vì thế đã bắt đầu nghiên cứu, khảo sát thị trường tài sản số, nhưng mới chỉ "là bước đầu tìm hiểu và định vị mình".
Theo ông Hưng, một tổ chức tài chính hàng đầu thì không thể "không hiểu biết, không biết gì, không quan tâm" đến lĩnh vực này, nhưng cũng không thể vội vàng.
Tổ chức tài chính này đã thành lập một công ty con được ví von như "lò ươm" cho các doanh nghiệp công nghệ số, và đang chờ đợi để phát triển kinh doanh khi hệ thống pháp lý về tài sản số được thiết lập.
"Chúng ta đã có trong lò ươm những dự án thành công, còn biến tất cả dự án này thành hiệu quả như thế nào thì phải chờ khung pháp lý. Đến bây giờ chưa có ai nói rõ là khung pháp lý như thế nào", ông Hưng nói và cho rằng "mọi thứ nói về tài sản số lúc này là hơi sớm".
Dù vậy, người được mệnh danh là 'ông trùm' chứng khoán Việt Nam nói với cổ đông: "SSI sẽ không đi muộn hơn hay đi chậm hơn bất cứ một tổ chức nào chỉ vì thiếu hiểu biết, nhưng cũng chỉ thực hiện và làm nếu an toàn và hiệu quả".
Vì sao có tin đồn?
Những đồn đoán về việc SSI lập sàn xuất hiện, do giới đầu tư quan sát thấy Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng thời gian qua có nhiều hoạt động liên quan đến tài sản số.
Ông từng nhiều lần bày tỏ quan điểm về thị trường tài sản số và tin rằng với lực lượng trẻ và sự đam mê công nghệ, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm tài sản số của khu vực nếu có một khuôn khổ pháp lý phù hợp.
"Nếu hôm nay không có người đốt lửa, thì ngày mai sẽ không có đám cháy. Nếu cơ hội về tài sản số lần này bị bỏ lỡ, chúng ta không biết bao giờ mới có thể phát triển một lĩnh vực mới mẻ và đầy tiềm năng như thế", ông Hưng chia sẻ tại Hội nghị Tác động công nghệ Việt Nam 2024 (VTIS 2024).
Không chỉ dừng ở việc bày tỏ quan điểm công khai trên các diễn đàn, ông Hưng còn có nhiều cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo tài chính hàng đầu thế giới. Trong tháng 3-2025, ông dùng bữa tối cùng ông Jan Van Eck, CEO VanEck Global, người tiết lộ đang nắm giữ hơn 30% giá trị tài sản ròng dưới dạng bitcoin.
Theo fanpage của SSI, một bài viết đăng ngày 17-3 cũng đề cập đến việc CEO Van Eck đưa ra ý tưởng về việc thành lập quỹ, tổ chức đầu tư bitcoin hợp tác cùng SSI.
Hiện bộ trưởng Bộ Tài chính đang chủ trì hoàn thiện khung pháp lý về sàn giao dịch tài sản mã hóa tại Việt Nam nhằm kiểm soát rủi ro, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Sáng 17-4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng có buổi tiếp ông Ben Zhou, giám đốc điều hành Bybit, sàn giao dịch tiền số lớn thứ hai thế giới.
Ông Ben Zhou đã bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong xây dựng khung pháp lý và triển khai mô hình sàn giao dịch tài sản mã hóa.
Hồi tháng 2 vừa qua, Bybit bị tin tặc tấn công, lấy đi số đồng ethereum trị giá hơn 1,4 tỉ USD.
Vị CEO này chia sẻ trên truyền thông rằng nhóm kỹ sư Verichains của Việt Nam đã giúp sàn tiền số điều tra nguyên nhân vụ hack vừa qua, và đánh giá đội ngũ kỹ sư này là "những người am hiểu nhất thế giới về tấn công mạng".
