
Gia đình chụp năm 1975 trước khi chuyển vào miền Nam
Trước ngày 30-4-1975, gia đình tôi sống ở Đê La Thành, Ô Chợ Dừa (Hà Nội), nhà ông bà ngoại sát bên.
Sau ngày 30-4, một ngày đầu tháng 7-1975 gia đình tôi nhận được lá thư từ miền Nam gửi ra.
Ba tôi nhận thư mà tay run run mở ra đọc rồi ôm mặt òa khóc nức nở. Thư là của ông bà nội tôi gửi ra báo tin gia đình trong miền Nam.
"Gửi con Trần Văn Dê, ba má nhận được tin con còn sống, mừng lắm. Hơn 20 năm qua cả nhà tưởng con đã chết, anh Tư Tốt của con bị bệnh mất rồi, em Tám Trừu hy sinh năm 1969.
Biết tin con cùng gia đình ngoài ấy, ba má rất mừng và mong từng ngày được gặp lại con, mong con sớm trở về".
Thư chỉ vỏn vẹn vài dòng, kèm theo những tấm ảnh cỡ 3x4, mặt sau ảnh ghi tên từng người. Hóa ra ba tôi có người bạn vào tiếp quản Sài Gòn nên ông đã kịp gửi lá thư cho người bạn cầm vào tìm lại gia đình trong ấy.
Tôi theo ba trong chuyến trở về miền Nam sum họp gia đình. Ba con tôi xuất phát từ ga Hàng Cỏ, hồi ấy tàu chỉ đi đến ga Vinh. Rồi hai cha con chuyển sang chiếc xe ca 29 chỗ ngồi. Mấy ngày đi đường gian nan vất vả, hai ba con xuống ngã tư Bình Thái - xa lộ Biên Hòa để tìm về Phước Long, Thủ Đức.
Ba tôi lần hồi hỏi thăm đường về nhà. Hồi ấy ở làng quê chỉ cần nói tên là biết được, có người chở hai ba con vào đúng nhà bác Ba Mài (anh của ba). Như thể có sợi dây vô hình nhận biết, chị Năm, con dâu bác Ba, khi nghe ba hỏi thăm tên ông nội, chị đứng nhìn hai cha con rồi kêu lên thật lớn: "Chú Bảy về ba má ơi".
Cả nhà ùa ra, bác Ba ôm chầm lấy ba, hai anh em òa khóc nức nở. Rồi ông bà nội chạy vội qua và cứ thế cả nhà cùng khóc trong ngày gặp mặt sau hơn 20 năm xa cách.
Gặp ông bà nội cùng gia đình gần một tháng, hai ba con tôi lại trở ra miền Bắc. Ba tôi thu xếp công việc, làm thủ tục chuyển công tác, chuyển trường học cho hai chị em chúng tôi vào miền Nam.
Chưa đầy hai tháng sau, chúng tôi đã vào sống với ông bà nội và học ở mái trường Phước Long - Thủ Đức. Mẹ tôi chuyển vào sau mấy tháng cùng em trai còn nhỏ của gia đình tôi.
50 năm trôi qua, ba tôi nay đã 91 tuổi, ông bà nội và các anh chị của ba đã mất, giờ ba đã quên nhiều nhưng chỉ cần nhắc đến tên của một người trong nhà là ba kể một một hơi tên của tám anh chị em trong gia đình cũng như họ tên của ông bà nội và đặc biệt vẫn nhớ Phước Long - Thủ Đức là "quê ba đó".
Cảm ơn bạn đọc gửi bài dự thi Kể chuyện hòa bình
Nhân kỷ niệm 50 năm hòa bình, cuộc thi viết
Tính đến hết ngày 26-3, cuộc thi viết Kể chuyện hòa bình đã nhận được 170 bài dự thi của bạn đọc.
Lễ trao giải và ra mắt sách Kể chuyện hòa bình
Ban giám khảo gồm các nhà báo, nhà văn hóa tên tuổi cùng đại diện báo Tuổi Trẻ sẽ xét duyệt chấm giải từ các bài đã qua sơ khảo và chọn trao thưởng cho những bài dự thi chất lượng.
Lễ trao giải, ra mắt sách Kể chuyện hòa bình và đặc san báo Tuổi Trẻ 30-4 dự kiến tổ chức tại Đường sách TP.HCM vào cuối tháng 4-2025. Quyết định của ban tổ chức là quyết định cuối cùng.
Giải thưởng Kể chuyện hòa bình
- 1 giải nhất: 15 triệu đồng + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 2 giải nhì: 7 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 3 giải ba: 5 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 10 giải khuyến khích: 2 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 10 giải bạn đọc bình chọn: 1 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
Số điểm bình chọn được tính dựa trên tương tác với bài viết, trong đó 1 sao = 15 điểm, 1 tim = 3 điểm, 1 like = 2 điểm.
Các giải thưởng còn được kèm giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ 30-4.
Ban tổ chức
