Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi: Cây thị cổ có quả tròn quả dẹt

TP - Xã Dị Nậu (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) có cây thị cổ thụ được xác định hơn 1.000 năm tuổi. Thân cây thị rêu tảo bám dày đặc; gốc xù xì, thô ráp; 5 người trưởng thành vòng tay ôm cũng chưa hết. Cây có cành lá xum xuê, tỏa bóng rợp mát sân miếu Đức Tản Viên.

Cổ thụ trên đất Việt cổ

Từ xã Quang Húc (huyện Tam Nông), tôi tiếp tục đi theo quốc lộ 32 thêm 20 km đến xã Dị Nậu, nơi có “cụ” thị tuổi thọ đã hơn nghìn năm tuổi, nhưng cành lá vẫn xanh tươi, tỏa bóng mát.

Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi: Cây thị cổ có quả tròn quả dẹt  ảnh 1

Toàn cảnh “cụ” thị của làng Dị Nậu

Rất may mắn khi đặt chân đến đây, tôi được gặp ngay ông Tạ Đình Hạp, 88 tuổi, giảng viên Trường Đại học Hùng Vương nghỉ hưu, người có nhiều năm nghiên cứu về di tích lịch sử của làng Dị Nậu khi ông đang sửa chiếc xe đạp điện đầu làng. Hai ông cháu rảo bước trên con đường làng yên bình trong tiết xuân mát mẻ.

Ông Hạp chia sẻ, theo sử sách lưu giữ lại, làng Dị Nậu xưa gọi là Kẻ Núc thuộc trung tâm bộ lạc Văn Lang thời đại Hùng Vương. Vốn là làng Việt cổ nên từ xa xưa, các bậc tiền nhân đã xây dựng nhiều đền, chùa, miếu mạo, am nghè. Hệ thống đền, chùa, miếu nay trở thành di sản lịch sử văn hoá thiêng liêng của đất trời và con người nơi đây, tạo nên vùng quê có phong cảnh hữu tình, người dân hưởng cuộc sống hiền hòa, bình yên.

Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi: Cây thị cổ có quả tròn quả dẹt  ảnh 2

Ông Tạ Đình Hạp giới thiệu về “cụ” thị nghìn năm tuổi

“Khi khai hoang lập làng, xây dựng các công trình đền, chùa, tổ tiên làng Dị Nậu đã trồng nhiều cây xanh trên khắp đường làng, ngõ xóm, khuôn viên đình, chùa, miếu… Đất đai ở đây phì nhiêu, tình người hiếu thuận đã tích tụ cho cây ngày càng cứng cáp, vươn mình phủ bóng mát”, ông Hạp tâm sự.

“Cụ” thị “ngự” trước miếu thờ Đức Thánh Tản Viên. Miếu thờ Đức Thánh Tản Viên được đặt tại đây bởi theo tương truyền, vùng đất này là nơi phát tích thủy tổ của truyền thuyết “Sơn tinh, Thủy tinh”. Theo Ngọc phả của làng còn lưu giữ ở Viện nghiên cứu Hán Nôm, miếu thờ Đức Thánh Tản Viên được dân làng lập nên từ năm 258 trước Công nguyên để thờ cúng các danh tướng thời vua Hùng thứ 18.

Ngoài ra, trong hệ thống đền cổ của làng Dị Nậu, có ngôi đền Quốc tế cổ kính, có tuổi đời khoảng 2.300 năm, thờ Đức Đại Vương Cao Sơn đã có công lớn phò vua, giúp nước; giúp người dân cấy cày, trồng lúa, ươm tơ, dệt lụa, săn bắn.

“Đền Quốc tế lưu giữ nhiều di vật quý hiếm như: Ngai thờ, án gian, kiệu bát cống, kinh sách… Đặc biệt, đền được biết đến là nơi lưu giữ nhiều đạo sắc phong nhất cả nước, với 40 sắc phong, thể hiện sự uy quyền của các vị vua, có tính độc bản”, ông Tạ Đình Hạp, chia sẻ.

Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi: Cây thị cổ có quả tròn quả dẹt  ảnh 3

Ông Tạ Đình Hạp giới thiệu về đền thờ Đức Thánh Tản Viên

Theo các tài liệu còn lưu giữ, “cụ” thị được trồng vào thế kỷ thứ 10 (năm 938 - 950), từ thời Đinh Bộ Lĩnh đi dẹp loạn 12 sứ quân để lập nên nhà nước Đại Cồ Việt. Vừa ngắm “cụ” thị đứng sừng sững giữa trời xanh, tôi được nghe ông Hạp giới thiệu nhiều điều kỳ thú, uy nghiêm của linh vật đã sinh tồn qua cả thiên niên kỷ.

Gốc thị xù xì, thô ráp chu vi cây 7,96m, gốc cây thị giáp mặt đất có rễ bạnh ra với chu vi tới 11,5m, chiều cao từ gốc đến ngọn khoảng 18,45m, 5 người trưởng thành vòng tay ôm cũng chưa kín gốc.

“Cách đây 2 năm, một trận bão lớn đã làm sạt nghiêng cây, gãy cành. Người dân trong làng đau thắt ruột như thấy người thân gặp nạn, chung tay góp sức đào hố xây cột trụ bê tông chống đỡ cho thân cây”, ông Hạp kể.

Những điều kỳ thú

“Cụ” thị đã sống hơn nghìn năm tuổi, nhưng đều đặn hàng năm vẫn đơm hoa, kết trái, tỏa hương thơm ngát trên vùng đất thiêng. Tính từ gốc thị lên cao khoảng 1m có một hốc rỗng. Đường kính hốc rộng nửa mét, dài hơn mét nằm sâu trong thân cây.

Gốc thị cứ bạnh ra xù xì, khoẻ khoắn, thân cây vẫn bền, cành lá trổ lộc xanh tươi, vươn xa, trùm bóng mát lên miếu thờ Đức Thánh Tản Viên. Ngắm nhìn “cụ” thị từ gốc đến ngọn tràn đầy sức sống, năm nào cũng đơm hoa, kết trái, không năm nào chịu mang tiếng “mất mùa”.

Ông Đoàn Văn Lực, Phó Chủ tịch UBND xã Dị Nậu cho hay, cây di sản đã gắn bó lâu đời với người dân trong làng. Đây là nét văn hóa riêng, dấu ấn lịch sử cần được bảo tồn, gìn giữ để con cháu đời đời nhớ về nguồn cội, tổ tiên. Hàng năm, xã mời các nhà khoa học về đánh giá sức khỏe của “cụ” để có hướng chăm sóc, để cụ sống trường tồn với thời gian.

Điều kỳ diệu, là cây thị cho ra 2 loại quả tròn và quả dẹt (người dân gọi là thị men). Quả tròn có hạt; thị men không có hạt.

Điều này chưa được giải thích và không có tích để lại, nhưng theo người dân nơi đây, quả tròn là hình tượng của trời, còn quả vuông hình tượng của đất.

Trời đất kết tinh trên cây thị cổ, để cây phát triển trường tồn với thời gian, che chở cho dân làng có cuộc sống tốt đẹp.

Ông Tạ Đình Hạp mân mê thân cây hướng về điện Bắc của miếu thờ nói: “Quan sát kỹ thân cây, mọi người sẽ thấy một điều kỳ thú. Dưới gốc “cụ” ở hướng phía Tây Nam trổ ra nguyên hình voi con đang cưỡi trên lưng voi mẹ, trong tư thế mẹ con đang ấp iu nhau với dáng điệu biết bao âu yếm, nặng tình mẫu tử.

Trên đầu con voi còn hiện ra đôi mắt ngọc cùng chiếc vòi dài thon thả. Cả hai mẹ con voi cúi đầu kính cẩn chầu vào điện Bắc linh thiêng, nơi thờ tự Đức Đại Vương Hiếu Lang, một trong những danh tướng tài ba của thời Vua Hùng”.

Ông Hạp mô tả thế rồi tán thán: “Đất cổ Dị Nậu hiện vẫn còn những “bảo vật” hấp thụ linh khí đất trời, đồng cam cộng khổ với người dân chân lấm tay bùn hàng nghìn năm nay. Vạn vật hữu linh với các thế hệ người dân. Trong đó, “cụ” thị đã trở thành “thần cây”, biểu tượng linh thiêng, minh chứng cho truyền thống lịch sử hào hùng, giá trị văn hóa bất biến với thời gian”.

Ông Nguyễn Hữu Dân, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Dị Nậu cho hay, vào những năm “cụ” thị chưa được giữ gìn, chăm sóc cẩn thận về mùa đông, trẻ con trong làng đi chăn trâu cắt cỏ, tập trung ở gốc cây đốt rơm sưởi ấm, đã cháy sém cả gốc, tạo nên hốc lớn ở giữa thân, nhưng cây thị vẫn hiên ngang không hề hấn gì.

Cây thị cổ kính, thiêng liêng, lại đứng bên cạnh miếu thờ Đức Thánh Tản Viên bất tử nên bao du khách qua đây đã dừng xe, xuống ngựa, ngả mũ đi bộ ngắm nhìn, chiêm ngưỡng, suy tư về cuộc đời với cả tấm lòng ngưỡng mộ và thán phục về “cụ” thị trường sinh bất lão.

“Cây thị như một điểm nhấn trong tổ hợp các Di tích Lịch sử - Văn hóa của quê hương. Người dân chúng tôi luôn xác định nghĩa vụ giữ gìn, bảo tồn nguồn gen quý hiếm như báu vật của dân làng”, ông Nguyễn Hữu Dân.