Gần 600 loại sữa giả đã tiêu thụ ở những đâu?

Vấn đề người tiêu dùng đang quan tâm nhất hiện nay là sữa giả với danh sách gần 600 loại vừa bị cơ quan chức năng triệt phá đã tiêu thụ ở đâu trong thời gian qua?
sữa giả - Ảnh 1.

Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ cho thấy "nạn nhân" sữa giả có ở nhiều nơi: từ thôn xóm các tỉnh xa đến bệnh viện các thành phố lớn và ở cả trong trường học.

Trong những giai đoạn cần can thiệp hỗ trợ về dinh dưỡng, những sản phẩm kém chất lượng như sữa giả đã làm bỏ lỡ đi cơ hội cho người bệnh hồi phục. Với trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu hoặc sống phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng từ sữa, hậu quả còn nghiêm trọng hơn.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng quốc gia)

Mua sữa giả ngay cổng bệnh viện

"Vậy là tôi đã cho chồng uống sữa giả lúc vừa phẫu thuật não" - chị T.H. mở đầu câu chuyện của chính bản thân sau khi vụ việc cơ quan chức năng triệt phá đường dây sữa giả.

Chị T.H. cho biết cuối năm 2024 chồng chị gặp tai nạn phải mổ sọ não. "Những miếng sữa đầu tiên mình cho chồng uống khi vừa tỉnh dậy giờ mới biết là sữa giả.

TIN LIÊN QUANNghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sữa giả sẽ bị hạn chế quảng cáo, hạn chế xuất hiện trên mạng?Sữa giả đã tiêu thụ ở đâu? - Ảnh 3.

Người dân chọn mua sữa có uy tín trong cửa hàng hoặc siêu thị - Ảnh minh họa: T.T.D.

Lo sữa giả tràn vào trường học

Những ngày vừa qua, khi vụ việc 600 loại sữa do "hệ sinh thái" các công ty sản xuất và kinh doanh có chất lượng không đạt chuẩn, được coi là sữa giả, bị phát giác, nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng về loại sữa mà con em mình đang uống tại trường học.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tại các trường hiện nay, sữa "mỗi nơi một loại", thậm chí nhiều phụ huynh lo lắng vì sữa có cái tên "rất lạ".

Trên hội nhóm chia sẻ về kiến thức chăm sóc con trên mạng xã hội Facebook, tài khoản Tho Nguyễn đăng tải nội dung: "Sữa học đường - sau vụ sữa giả giờ thêm lo về sữa các mom ạ.

Ngày trước, bé mới đi học, em cũng lo không biết sữa ở trường là sữa gì và có mang theo sữa ở nhà đi nhờ cô cho uống, không dùng sữa ở trường, nhưng các bé vẫn uống 1 cữ ở trường. Hôm nay em nhờ cô chụp cho loại sữa bé uống thì là sữa này. Em thấy sữa lạ quá. Các anh, chị, các mom có biết thông tin về loại sữa này không ạ".

Đăng kèm bài viết là hình ảnh về loại sữa có tên Khalac grow, được gắn nhãn sữa mát cho trẻ 1-5 tuổi cùng lời quảng cáo "giải pháp dinh dưỡng giúp trẻ phát triển chiều cao, trí não".

Dưới bài đăng là hàng trăm bình luận chia sẻ rằng đó là sữa cỏ (cách mà người tiêu dùng gọi sữa không đảm bảo chất lượng).

Bên cạnh đó không ít bình luận đăng kèm hình ảnh các nhãn sữa mà con em họ đã sử dụng trong chương trình sữa học đường như Findkost's Grow Plus, Vingo, SP Grow IQ, Shizu, Ellac Multi, Anilac Kinder Grow, Sukumilk Gold, Deli Kids, Nestilac, Gigo Nutri Gold...

Hàng loạt cái "tên lạ" được các phụ huynh đưa ra, dù các loại sữa này không nằm trong danh sách do các công ty sản xuất sữa giả vừa bị triệt phá nhưng cũng khiến phụ huynh lo lắng bởi "chưa từng nghe thấy".

Theo thông tư quy định yêu cầu với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong chương trình sữa học đường do Bộ Y tế ban hành, các sản phẩm sữa tươi phải bảo đảm đủ 21 vi chất dinh dưỡng, đồng thời đảm bảo hai yếu tố là công bố sản phẩm và ghi nhãn dán đúng theo quy định của pháp luật.

Chị Thanh Mai (30 tuổi, Hà Nội) cho rằng các trường cần rà soát việc sử dụng sữa của các đơn vị nào sản xuất cung ứng vì biết đâu không may trẻ đang sử dụng 1 trong gần 600 loại sữa giả vừa bị cơ quan chức năng triệt phá.

"Nếu căn cứ vào các giấy tờ liên quan thì rất dễ những loại sữa này cũng có thể vào được trường học. Giống như việc các bác sĩ chuyên môn cũng đã quảng cáo cho các loại sữa này thông qua các giấy tờ họ cung cấp đầy đủ. Vì vậy một cuộc điều tra, thanh lọc là cần thiết", chị Mai đề xuất.

sữa giả - Ảnh 3.

Sữa chất lượng, có thương hiệu uy tín luôn là sự lựa chọn của người tiêu dùng - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Đánh vào tâm lý "có bệnh vái tứ phương"

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một bác sĩ chuyên khoa ung bướu có kinh nghiệm hàng chục năm tại TP.HCM cho hay trong suốt quá trình điều trị đã gặp nhiều bệnh nhân ung thư vì tin theo những lời quảng cáo sữa, thực phẩm chức năng mà bỏ điều trị.

Nhất là sau khi nghe sản phẩm có công dụng thần kỳ do chính nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo dẫn đến "tiền mất tật mang". Có những người bệnh vì tin theo lời quảng cáo sữa có thể tiêu được khối u nên bỏ luôn điều trị, đến khi bị nặng mới quay lại viện, đa phần là những người dân ở tỉnh đến.

Bác sĩ này cũng cho hay hiện nay các thực phẩm chức năng, sữa tiếp cận người bệnh khá dễ dàng bởi đánh vào tâm lý "có bệnh vái tứ phương", chỉ cần vài lời quảng cáo "có cánh" bệnh nhân dễ tin.

Dễ thấy nhất là tại các cổng bệnh viện, các cửa hàng bán sữa đủ loại, trong khi chất lượng sữa thật giả lẫn lộn, mắt thường khó phân biệt. Do vậy các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt nghiêm để bảo vệ sức khỏe người dân.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng quốc gia), sữa giả với chỉ tiêu chất lượng đạt dưới 70% như lực lượng chức năng đã công bố có thể gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đặc biệt những sản phẩm này được giới thiệu sử dụng cho trẻ sinh non, bà mẹ mang thai... là những người cần được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.

Như vậy, đầu tiên là khi sử dụng những sản phẩm này sẽ không đạt được mục tiêu về đáp ứng dinh dưỡng. Trẻ cần tăng cân, thai phụ cần vi chất hay người bệnh cần bổ sung đều không đáp ứng được nhu cầu mong muốn.

Nếu quá tin tưởng và sử dụng kéo dài các sản phẩm này dần dần sẽ dẫn đến thiếu vi chất, thiếu năng lượng.

Singapore, Thái Lan kiểm soát quảng cáo sữa công thức

Tại Singapore: Vào năm 2017, Chính phủ Singapore thành lập một nhóm đặc nhiệm nhằm nghiên cứu và đưa ra các giải pháp cho việc thắt chặt các quy định về nhãn mác và quảng cáo sữa công thức, từ đó nâng cao nhận thức của người tiêu dùng cũng như kiểm soát giá sữa tăng cao.

Ủy ban Cạnh tranh Singapore (CCS) khi đó công bố một báo cáo cho thấy các nhà sản xuất sữa công thức đã chi mạnh tay cho khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm, cùng với việc đầu tư vào hoạt động tiếp thị, nhằm tạo ấn tượng rằng sản phẩm sữa của họ cao cấp và từ đó xây dựng lòng trung thành của người tiêu dùng đối với thương hiệu.

Sữa giả đã tiêu thụ ở đâu? - Ảnh 4.

Người tiêu dùng mua sữa tại một siêu thị ở Singapore - Ảnh: KUA CHEE SIONG

Cơ quan Nông nghiệp thực phẩm và Thú y Singapore (AVA) cũng thông báo rằng các nhà sản xuất sữa công thức sẽ không còn được đưa ra các tuyên bố về sức khỏe và sử dụng hình ảnh làm cho sản phẩm của họ trông hấp dẫn.

Nỗ lực tiếp thị của các bên sản xuất đã khiến giá sữa công thức ở Singapore bị đẩy lên cao, đồng thời cũng khiến một số phụ huynh lầm tưởng rằng thương hiệu đắt tiền hơn sẽ có chất lượng tốt hơn.

Người tiêu dùng theo đó sẽ khó có khả năng đánh giá chất lượng trong khi so sánh giá cả. Theo chuyên gia trong nhóm đặc nhiệm, các sản phẩm từ sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho trẻ nhỏ. Vì vậy, thông tin chính xác và dữ liệu khách quan sẽ là yếu tố cần thiết để phụ huynh có thể dựa vào và đưa ra quyết định lựa chọn sữa sáng suốt cho con mình.

Tại Thái Lan: Tháng 12-2024, trang ProPublica đăng thông tin cho biết Thái Lan sẽ có các quy định buộc các công ty sữa bột trẻ em phải ngừng quảng cáo, tặng quà và giảm giá cho sản phẩm cho trẻ 1-4 tuổi.

Theo Euromonitor, tính đến năm 2023, sữa công thức dành cho trẻ mới biết đi chiếm hơn một nửa tổng doanh số bán sữa công thức ở Thái Lan. Các chuyên gia cảnh báo những quảng cáo thúc đẩy việc tiêu thụ sữa có thể gây hiểu lầm cho các bậc cha mẹ, thậm chí khiến các bà mẹ bỏ việc cho con bú sớm hơn khuyến nghị.

Tháng 2-2023, tạp chí y khoa Lancet (Anh) công bố một báo cáo cho thấy việc các nhà sản xuất sữa công thức suy ra các kết luận về việc sản phẩm của họ có thể tăng cường sự phát triển của não bộ và cải thiện trí thông minh ở trẻ em là không có cơ sở khoa học.

Nên chọn thương hiệu rõ ràng

Ngày 16-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, một hiệu trưởng tiểu học ở TP.HCM thông tin nhà trường chọn sữa trong bữa ăn bán trú cho học sinh từ thương hiệu sữa Vinamilk (Công ty CP Sữa Việt Nam).

Vị này nói về quy trình nhà trường chọn sữa: "Trong khẩu phần ăn hằng ngày, buổi trưa trường có thêm sữa nước hộp cỡ nhỏ mức giá tùy thời điểm vì có liên quan chương trình khuyến mãi, dao động 8.000 - 9.000 đồng/hộp.

Tôi dạy học sinh người Việt ưu tiên dùng hàng Việt nên cách chọn sữa cũng thể hiện thông điệp. Đơn vị cung cấp ký hợp đồng cung ứng vào đầu năm. Sau đó, tháng 9-10 hằng năm, đoàn kiểm tra bao gồm Sở GD-ĐT và Sở Y tế sẽ kiểm tra.

Đến học kỳ 2 sẽ hậu kiểm một lần nữa. Trường chọn sữa thương hiệu nhiều người biết đến, nếu sữa lạ đoàn kiểm tra sẽ hỏi sữa này ở đâu ra, giấy tờ kiểm định… trường phải cung cấp để bảo đảm an toàn chất lượng thực phẩm".

Bà Lương Thị Hồng Điệp, trưởng Phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng trong trường học tuân thủ nghị định 24, có hội đồng trường chọn loại sữa cung ứng vì thực tế có rất nhiều loại sữa.

Bà Điệp nói: "Tùy theo điều kiện khu dân cư, nhà trường họp ban đại diện cha mẹ học sinh, hội đồng trường chọn đơn vị cung cấp đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, đảm bảo tài chính phù hợp với phụ huynh. Tuy nhiên sở cũng khuyến cáo các trường nên chọn sữa có thương hiệu, đảm bảo tiêu chuẩn, có đầu vào rõ ràng, kiểm tra lưu mẫu".

Có "lỗ hổng" pháp lý không?

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng vụ việc gần 600 loại sữa giả được bày bán công khai trên thị trường suốt 4 năm qua liệu có tồn tại những "lỗ hổng, khoảng trống" trong công tác quản lý và trong các văn bản pháp lý không?

Bà Hải nêu trên phương tiện thông tin đại chúng, Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương nói chỉ quản lý đối với các loại sữa bình thường, còn sữa có vi chất thuộc thẩm quyền Bộ Y tế. Bộ Y tế phản biện, nói đã phân cấp cho địa phương.

"Những loại sữa này toàn dùng cho người già, người bị ung thư, trẻ em, bà mẹ, phụ nữ mang thai...

Người dân tin tưởng như thế, chưa nói việc người nổi tiếng tham gia quảng cáo thì trách nhiệm đến đâu cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, nhưng việc bày bán công khai như vậy có lỗ hổng pháp lý hay không, đề nghị rà soát" - bà Hải thẳng thắn.

Thăm dò ý kiến

Bạn chọn mua sữa bột theo cách nào:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

1.Thấy có người nổi tiếng quảng cáo thì mua, chủ yếu mua online.

2.Chỉ chọn mua các thương hiệu sữa phổ biến được quảng cáo trên truyền hình, báo chí.

3.Ưu tiên chọn sữa có giá rẻ, không quan tâm thương hiệu.

Ý kiến khác

Bình chọnXem kết quả
Sữa giả đã tiêu thụ ở đâu? - Ảnh 5.Danh sách chi tiết hàng trăm loại sữa giả được đăng ký tại tỉnh Hòa Bình

Dù có trụ sở sản xuất tại Hà Nội, các công ty nằm trong đường dây sữa giả đã mở các chi nhánh ở nhiều địa phương, trong đó tại tỉnh Hòa Bình các công ty này đã đăng ký công bố hàng trăm sản phẩm.