Khởi nghiệp 5 năm vẫn chật vật xin giấy phép
Chia sẻ với PV Tiền Phong về hành trình sau nhiều năm khởi nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, Chủ tịch HĐQT một start-up trong lĩnh vực protech (công nghệ - bất động sản) đúc kết: “Gian nan nhất không phải ở vấn đề thị trường, mà đang mắc kẹt bởi cơ chế và cung cách của một bộ phận cán bộ”.
![]() |
Môi trường kinh doanh thiếu cởi mở đang là lực cản kìm hãm các start-up công nghệ Việt phát triển |
Theo vị này, dù Nhà nước có chủ trương và chính sách rất đúng về khuyến khích các start-up công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhưng khi xuống các bộ, ngành và đơn vị thực thi lại “hành” doanh nghiệp đủ đường. Họ nhìn start-up như kiểu “người nhà quê lên phố xin việc, xin giấy tờ”, lấy quan điểm cũ để áp đặt cho cái mới và thiếu cảm thông trong những vấn đề mới; điều này khiến doanh nghiệp rất chật vật và hầu như không có vị thế gì khi làm việc với cơ quan chức năng.
Điển hình là câu chuyện xin cấp phép trang thương mại điện tử của doanh nghiệp. Theo vị này, start-up công nghệ ở Việt Nam hầu hết đều có nhu cầu vốn lớn, nhưng bất cập ở chỗ không có tài sản hay bất động sản nên rất khó tiếp cận các nguồn vốn như vay ngân hàng, trái phiếu...Để có nguồn vốn hoạt động doanh nghiệp phải sử dụng nhiều cách, trong đó có thể huy động vốn cộng đồng - (crowfunding) một hình thức phổ biến trên thế giới, song còn mới ở Việt Nam.
“Khi xin cấp phép trang thương mại điện tử cho sản phẩm, Bộ Công Thương lấy lý do doanh nghiệp huy động vốn có rủi ro nên hơn 5 năm qua doanh nghiệp gửi hồ sơ lên không biết bao nhiêu lần, giải thích đủ kiểu vẫn bị gác lại. Cán bộ viện hết lí do này đến lí do khác dù đây là hai việc hoàn toàn khác nhau”, vị này chia sẻ.
Chính vì lý do này khi ký hợp đồng hợp tác, doanh nghiệp gặp rất nhiều vướng mắc. Các đối tác trong nước có thể cảm thông bởi vì hiểu cơ chế ở Việt Nam và quan trọng là sản phẩm sử dụng thực tế hiệu quả. Nhưng với đối tác nước ngoài, họ rất ngại, đỉnh điểm là mới đây có quỹ đầu tư nước ngoài đồng ý đầu tư hàng chục triệu USD vào doanh nghiệp. Hai bên đã ký hợp đồng hợp tác nhưng ở bước cuối cùng khi đi vào rà soát thủ tục, phía quỹ quyết định dừng lại vì e ngại pháp lý ở Việt Nam.
“Để tiếp tục hợp tác, họ khuyến nghị doanh nghiệp sang Singapore lập pháp nhân mới. Với hàng mớ rào cản như thế, chúng tôi đành sang Singapore mở doanh nghiệp. Bản chất là sản phẩm vẫn do người Việt Nam mình tạo ra, nhưng doanh nghiệp, thương hiệu thuộc sở hữu của doanh nghiệp ở Singapore”, vị này nói. Đồng thời, vị này cho biết thêm, đến nay sau bao năm, hoạt động của doanh nghiệp vẫn bình thường, việc huy động vốn không ảnh hưởng gì thì cán bộ lại viện dẫn lý do phải chia tách từng sản phẩm mới được cấp phép, trong khi chiến lược của doanh nghiệp là phát triển cả hệ sinh thái sản phẩm để tận dụng các dữ liệu liên quan.
“Ở nước ngoài trong thời gian như vậy, một start-up đã có thể trở thành kỳ lân, nhưng ở Việt Nam doanh nghiệp vẫn còn vật lộn với chuyện giấy phép. Với điều kiện như thế, start-up làm gì có thể đổi mới sáng tạo hay làm gì khác biệt để tạo đột phá. Đến giờ doanh nghiệp chưa chết đã là may lắm rồi”, vị này đúc kết.
![]() |
Khó khăn về huy động vốn và rào cản về pháp lý đã khiến nhiều start-up Việt ra nước ngoài mở doanh nghiệp. Ảnh: PV. |
Cần sự thay đổi toàn diện
Đây không phải là start-up công nghệ đầu tiên của Việt Nam phải sang nước ngoài để lập pháp nhân vì những rào cản về hàng lang pháp lý, môi trường kinh doanh hay cung cách phục vụ của một bộ phận cán bộ. Trước đây, Sky Mavis hoạt động trong lĩnh vực blockchain, do quy định hành lang pháp lý của Việt Nam chưa rõ ràng, doanh nghiệp phải thành lập trụ sở chính ở Singapore để hợp pháp hóa hoạt động. Đến nay, Sky Mavis đã gọi vốn thành công hàng trăm triệu USD từ các quỹ quốc tế, và trở thành 1 trong 4 kỳ lân công nghệ của Việt Nam - theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ngay cả kỳ lân MoMo, trong quá trình huy động vốn hàng trăm triệu USD, đạt mức định giá 2 tỷ USD vào năm 2022, cũng gặp không ít khó khăn. Chia sẻ với PV Tiền Phong, một lãnh đạo của MoMo biết, quá trình tiếp cận vốn mất nhiều tháng và các quỹ phải chi rất nhiều tiền để nghiên cứu về các hợp đồng. Họ rất quan tâm đến MoMo, nhưng cuối cùng, các nhà đầu tư ở Mỹ lại quyết định không đầu tư, vì lo lắng về tính thanh khoản hoặc khả năng thoái vốn trong vòng 5 năm, 10 năm hay 15 năm, chủ yếu do liên quan đến các quy định của Việt Nam.
“Khi xin cấp phép trang thương mại điện tử cho sản phẩm, Bộ Công Thương lấy lý do doanh nghiệp huy động vốn có rủi ro nên hơn 5 năm qua doanh nghiệp gửi hồ sơ lên hàng chục lần, giải thích đủ kiểu vẫn bị gác lại. Cán bộ viện hết lí do này đến lí do khác dù đây là hai việc hoàn toàn khác nhau”.
Chủ tịch HĐQT một start-up trong lĩnh vực protech (công nghệ - bất động sản)
Hàng loạt doanh nghiệp công nghệ khác như Tiki, VNG đã từng lập pháp nhân có trụ sở ở nước ngoài rồi sở hữu ngược trở lại mới có thể gọi được vốn đầu tư. “Những rào cản này đang khiến các start-up công nghệ ở Việt Nam đặt câu hỏi: Liệu họ có thể huy động vốn tại các thị trường nước ngoài hay không, thay vì đặt câu hỏi rằng, liệu họ có thể huy động vốn và niêm yết tại thị trường Việt Nam. Hành lang pháp lý ở Việt Nam hiện chưa thực sự mở đường cho các start-up, nặng về quản lý và khó thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, một chuyên gia về quản lý Quỹ đầu tư doanh nghiệp công nghệ nhận xét.
Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia, Chủ tịch Quỹ Khởi nghiệp quốc gia cho rằng, sau 6 năm triển khai Nghị định 38 quy định về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo - chính sách được xem là nền tảng cho hệ sinh thái khởi nghiệp, tổng vốn huy động cho các startup đổi mới sáng tạo ở Việt Nam chỉ đạt vài trăm tỷ đồng. “Đây là con số quá nhỏ nếu so với tiềm năng hàng chục tỷ USD đang nằm rải rác trong khu vực kiều bào, doanh nghiệp tư nhân lớn và các nhà đầu tư mạo hiểm trong nước”, ông Huy nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho rằng, không thể phát triển start-up đổi mới sáng tạo nếu không có chính sách minh bạch, cụ thể và đo lường được. “Chúng ta cần những bộ chỉ số (KPI) phản ánh trực tiếp hiệu quả của từng bộ, ngành trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân và khởi nghiệp”, ông khẳng định. Muốn có kỳ lân công nghệ, Việt Nam không chỉ cần thay đổi về mặt chính sách, mà cần một cuộc chuyển đổi toàn diện tư duy thể chế, hành chính, đầu tư và quản lý công. Chỉ khi đó, sức mạnh nội lực của khu vực tư nhân mới thực sự được khai mở để đưa Việt Nam bước vào một kỷ nguyên kinh tế mới dựa trên sáng tạo, công nghệ và khát vọng vươn xa.
“Nghị quyết 57 đặt đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là động lực tăng trưởng trong thời gian tới. Đây là những tín hiệu tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp phấn khởi đón chờ. Nhưng bao giờ Nhà nước cụ thể hóa được bằng các chính sách, đặc biệt là lan tỏa tinh thần này xuống được các đơn vị, cán bộ thực thi ở dưới và có đội ngũ cán bộ am hiểu về công nghệ, cởi mở trong những vấn đề mới, khi đó đổi mới sáng tạo mới có đất diễn ở Việt Nam”, ông Hòa nói.