
Quang cảnh siêu thị Walmart khá vắng vẻ vào cuối tuần qua - Ảnh: HỮU TÀI
Nhưng gần ba tháng qua, mọi thứ đi ngược với mong đợi. Một sự hỗn loạn chưa từng thấy đang diễn ra.
Ông Trump đã nói "thuế quan là từ đẹp nhất trong từ điển". Và từ ngày nhậm chức, ông đã tạo cho người Mỹ nhiều lý do để tìm kiếm định nghĩa của từ đó trên Google.
Kể từ ngày 20-1, ông Trump đã tăng thuế với thép, nhôm sản xuất ngoài Mỹ, sản phẩm từ Canada, Mexico, hàng hóa Trung Quốc và ô tô nước ngoài. Vào ngày 2-4, được gọi là "Ngày giải phóng", ông tuyên bố áp thuế quan có đi có lại với tất cả quốc gia bị cáo buộc gây bất lợi cho sản phẩm Mỹ.
Các tuyên bố thuế đầy ngẫu hứng đã làm Trung Quốc 'chìa cành ô liu' cho Canada để giảm căng thẳng thuế quanĐỌC NGAY
Đi chợ trở thành nỗi ám ảnh của người thu nhập thấp và trung lưu. Giá trứng dù hạ vẫn gấp đôi năm ngoái. Thịt, cá, rau củ bào mòn túi tiền người mua. Siêu thị giá rẻ như Walmart lên ngôi nhưng người đi mua sắm vẫn thưa vắng.
Hai tuần trước, Trung Quốc đã triệu tập lãnh đạo Walmart vì ép nhà cung cấp giảm giá sâu để chuyển gánh nặng thuế quan sang họ.
Tăng thuế để khuyến khích mua ô tô sản xuất trong nước là chính sách ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế tiêu dùng Mỹ. Nhưng trong thời đại toàn cầu hóa, những bộ phận nhỏ nhất của ô tô đều được sản xuất ở nhiều nước.
Các nhà kinh tế ước tính chính sách thuế sẽ làm tăng giá ô tô tại Mỹ từ 4.000 - 15.000 USD mỗi xe. Nó không tạo động lực để người Mỹ mua hàng Mỹ vì chưa chắc họ sẽ mua những chiếc xe thô kệch, hao xăng, xấu xí và giá lại đắt hơn.
Cơ quan Di trú và hải quan (ICE) trong hai tháng qua là nỗi khiếp sợ của dân nhập cư gốc Mỹ Latin. Minh, bạn tôi, làm chủ hai nhà hàng ở Seattle, than với tôi dân Mễ sợ quá không dám đi làm, cũng chẳng ra đường ăn uống nên nhà hàng bạn khó khăn.
Những người gốc Mễ thuê nhà của chúng tôi dù có thẻ xanh và giấy phép làm việc bỗng trở thành những con mèo yếu đuối, sợ ICE sẽ gõ cửa và trục xuất họ trong đêm. Trong hai tháng, làn sóng "bỏ của chạy lấy người" diễn ra ở những khu căn hộ tôi quản lý. Họ trả chìa khóa nhà không cần thông báo và không biết sẽ đi đâu.
30 năm qua, gần 3.000 căn hộ của công ty tôi là chỗ dừng chân đầu tiên cho người tị nạn từ Việt Nam (chương trình HO hay ODP ra đi có trật tự), Iraq, Nepal, châu Phi và Afghanistan.
Chúng tôi liên kết với các cơ quan di trú để tiếp nhận, cung cấp nhà và tìm việc làm cho họ. Từ đây hàng trăm ngàn người tìm được giấc mơ Mỹ. Nhưng nay chương trình tị nạn đã bị xóa. Quỹ cứu trợ bị cắt. Nhân viên thất nghiệp. Người tị nạn bị "kẹt" lại khi tiền trợ cấp cạn mà việc làm chưa có.
Sống gần Washington D.C., tôi cảm nhận rõ sự khó khăn bao trùm. Khu vực này từng hưởng lợi từ công việc chính phủ lương cao. Khi Ban hiệu suất chính phủ (DOGE) và tỉ phú Musk ra tay, nhân viên sáng mở máy, nhận email là biết mình thất nghiệp.
Theo báo Washington Post, từ đầu năm đã có hơn 13.000 nhân viên ở khu vực DMV (bao gồm thủ đô Washington D.C., Maryland và Virginia) nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Chắc chắn trong số những người này sẽ có rất nhiều người ủng hộ và bầu cho Đảng Cộng hòa. Họ đang nếm trái đắng do chính mình vun trồng.
Ethel, cô y tá ở căn hộ trước văn phòng, than với tôi: "Mất việc rồi, hai người tôi chăm sóc bị đuổi tuần rồi. Tháng này trả chậm tiền thuê nhen, nhớ bỏ phí trả chậm giúp tôi".
Theo nhận định của nhiều người, áp thuế sẽ làm tăng giá, suy yếu nhà sản xuất Mỹ và giảm sức ảnh hưởng toàn cầu của nước này. Nhà báo Alan Rappeport của tờ Washington Post viết: "Thuế quan sẽ khiến người Mỹ tự "nuốt" giá cả ngày một cao ngất ngưởng".
