
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đang điều trị cho bệnh nhi - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ngày 9-4, TS.BS Phạm Ngọc Thạch - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM - thông tin, viêm ruột hoại tử là một trong những bệnh lý nguy hiểm nhất ở trẻ sinh non.
Bệnh có thể dẫn đến tổn thương ruột nghiêm trọng, nhiễm trùng huyết và thậm chí tử vong nếu không được phát hiện sớm.
Mỗi năm Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận điều trị khoảng 30 trường hợp bệnh nhi bị viêm ruột hoại tử.
Viêm ruột hoại tử không chỉ là mối lo ngại lớn đối với các bậc phụ huynh có con sinh non, nhẹ cân, mà việc điều trị còn là cuộc chạy đua với thời gian.
Ở giai đoạn nhẹ, trẻ cần ngừng ăn đường miệng, nuôi dưỡng qua tĩnh mạch và dùng kháng sinh. Trong giai đoạn nặng, trẻ cần được phẫu thuật, cắt bỏ đoạn ruột hoại tử.
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận bé trai N.X., 8 ngày tuổi, sinh non 30 tuần. Trước đó, bé được thụ tinh trong ống nghiệm.
Bé cân nặng 1,2kg, nhập viện trong tình trạng bụng trướng, ọc dịch xanh. Kết quả chụp X-quang phát hiện có hơi tự do trong ổ bụng của bé.
Bé X. được BS.CK1 Nguyễn Hiền - khoa ngoại tổng hợp bệnh viện - chẩn đoán thủng ruột do viêm ruột hoại tử.
Bác sĩ Hiền đã phẫu thuật cấp cứu và cắt đoạn ruột hoại tử, sau đó khâu nối lại ruột cho bệnh nhi. Nhờ can thiệp kịp thời và chăm sóc đặc biệt tại khoa hồi sức sơ sinh, bé X. được chuyển khoa sơ sinh và đã hồi phục chức năng tiêu hóa.
Theo TS Ngọc Thạch, viêm ruột hoại tử ở trẻ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sinh non.
Tuy nhiên, nếu trẻ được bú sữa mẹ, kiểm soát nhiễm trùng tốt và theo dõi sát các dấu hiệu bất thường, có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh và cải thiện tiên lượng cho trẻ.
Những dấu hiệu nhận biết sớm bệnh viêm ruột hoại tử
Để sớm nhận diện bệnh, phụ huynh cần chú ý những dấu hiệu: Bụng trướng căng, da bụng có thể đổi màu xanh hoặc ửng đỏ, nôn ói dịch xanh hoặc có máu. Tiêu chảy phân có máu, trẻ bú kém. Sốt hoặc hạ thân nhiệt bất thường.
Để phòng ngừa bệnh, phụ huynh nên nuôi con bằng sữa mẹ: Cung cấp dưỡng chất và miễn dịch tối ưu, tăng lượng ăn từ từ theo hướng dẫn của bác sĩ, rửa tay trước khi chăm sóc trẻ, hạn chế tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, nếu có dấu hiệu bất thường, đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
